Liều thuốc cho mọi Cảm xúc tiêu cực

Liều thuốc cho mọi loại cảm xúc tiêu cực là bạn chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với hoàn cảnh của mình. Bạn không thể ngoài miệng thì nói:“Tôi chịu trách nhiệm” mà trong lòng vẫn cảm thấy giận dữ. Chính sự chấp nhận trách nhiệm sẽ làm “đoản mạch” và kìm nén được những cảm xúc ấy. 

Bạn có thể tự hóa giải được những cảm xúc tiêu cực và có thể kiểm soát cuộc đời mình bằng ý thức “Tôi chịu trách nhiệm!” mỗi khi cảm thấy giận dữ hay thất vọng vì bất cứ lý do gì. Và bạn nhớ rằng, chỉ khi nào bạn thực hiện được điều này theo đúng nghĩa của nó thì nó mới phát huy hết tác dụng. 


Khi bạn không vướng vào bất cứ thứ gì bức bối về mặt cảm xúc lẫn tinh thần, thì bạn mới có thể bắt đầu tập trung mọi sinh lực và nhiệt huyết của mình vào mục tiêu phía trước. Khi đó, sẽ không có giới hạn hay chướng ngại nào ngăn cản bạn tiến đến những mục tiêu đã đề ra trong đời.

KHÔNG ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI KHÁC

Ngay từ bây giờ, hãy thôi đổ lỗi cho người khác về bất cứ điều gì trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Eleanor Roosevelt đã từng nói rằng:“Chẳng ai có thể làm cho bạn cảm thấy thấp hèn nếu không được sự cho phép của bạn”. 

Hãy bắt đầu thôi viện cớ hoặc bào chữa cho các hành vi của mình. Nếu bạn phạm phải sai lầm, hãy nói câu xin lỗi và bắt tay ngay vào việc sửa chữa. Mỗi lần bạn đổ lỗi cho người khác hay viện cớ cho sai lầm của mình là bạn đang đánh mất dần sức mạnh của bản thân. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy yếu đuối và bé mọn. Bạn cũng cảm thấy yếm thế trong chính suy nghĩ của mình. 

LÀM CHỦ CẢM XÚC

Để duy trì tư duy tích cực, hãy loại bỏ việc chỉ trích, phàn nàn hay lên án người khác về bất cứ điều gì. Một khi bạn làm được điều này nghĩa là bạn có thể kích thích cảm xúc tích cực trong mình trỗi dậy. Ngược lại, giận dữ với người khác đồng nghĩa với việc bạn để mặc cho cảm xúc tiêu cực chi phối bản thân và cùng lúc cho phép người khác kiểm soát cảm xúc của bạn. Đấy quả thật không phải là điều khôn ngoan! 

Chịu trách nhiệm với những gì mình đang có trong đời

Một khi hoàn toàn nhận lấy trách nhiệm đối với bản thân và hoàn cảnh của mình, bạn có thể tự tin xử lý mọi việc trong cuộc sống. Lúc ấy, bạn sẽ trở thành “người chủ của số phận và người chỉ huy linh hồn chính mình”.

LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH

Ngay từ bây giờ, bạn hãy xem mình là người làm chủ, là người chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với mọi khía cạnh của cuộc sống và công việc của bản thân. Hãy tự nhủ rằng bạn đang ở cương vị này, nắm giữ chức vụ này là nhờ vào những gì bạn đã nỗ lực vươn lên và gặt hái được thành công cũng như nếm trải thất bại trong đời. 

Chính bạn là kiến trúc sư tạo ra số phận của chính mình.

LỰA CHỌN VÀ QUYẾT ĐỊNH

Bạn có nghĩ rằng cuộc đời mình cho đến thời điểm này chịu ảnh hưởng của toàn bộ những lựa chọn và quyết định mà bạn đã thực hiện (hoặc không thực hiện) không? 

Nếu có bất cứ điều gì trong cuộc sống làm bạn thất vọng, bất mãn, thì bạn chính là người phải chịu trách nhiệm. 

Nếu bạn cảm thấy không hài lòng thì chính bạn phải là người nghĩ ra cách thức nhằm thay đổi và cải thiện tình hình. 

Với tư cách là chủ nhân của chính mình, bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với mọi việc mình làm và cả kết quả của chúng nữa. 

Bạn phải chịu trách nhiệm cả với những rủi ro, hậu quả cho hành động của mình. Bạn phải hiểu rằng để có được vị trí như hiện nay, trở thành con người như ngày nay là do chính bạn đã quyết định và lựa chọn như vậy. Nếu bạn không hài lòng với mức thu nhập hiện tại, hãy quyết định tìm đến những vị trí và cơ hội tốt hơn để có thu nhập cao hơn. 

Hãy xem đó là một mục tiêu, lập kế hoạch và bắt tay thực hiện để giành những gì bạn đáng được. Bạn luôn là người tự do trong những quyết định tạo nên cuộc đời của chính mình. 

PHÁT TRIỂN CHIẾN LƯỢC CÁ NHÂN

Bạn phải là người chịu trách nhiệm đối với việc hoạch định chiến lược cho cuộc đời và sự nghiệp của mình. Đó là chiến lược quản lý tổng thể, bao gồm xác lập mục tiêu, lên kế hoạch, đưa ra các giải pháp và nỗ lực để hoàn thành. 

Bên cạnh đó, bạn phải có trách nhiệm đối với chiến lược marketing bản thân. Bạn phải biết cách xây dựng hình ảnh của mình để có thể “bán”được với giá cao nhất trong một thị trường cạnh tranh. 

Bạn cũng phải có trách nhiệm đối với chiến lược tài chính, bạn phải quyết định xem: bạn muốn bán dịch vụ của mình thế nào, bạn muốn có thu nhập bao nhiêu, bạn muốn tăng thu nhập của mình đến mức nào qua mỗi năm, bạn muốn đầu tư và tiết kiệm ra sao, bạn muốn tích lũy bao nhiêu khi về hưu… 

Tất cả những điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và lựa chọn của bạn.

Ngoài ra, bạn là người chịu trách nhiệm đối với chiến lược phát triển bản thân và những mối quan hệ của mình, cả khi ở nhà lẫn công sở. Tôi thường khuyên học viên của mình rằng: “Hãy chọn sếp của bạn một cách cẩn thận”. Việc này sẽ tác động lớn đến mức thu nhập của bạn, khả năng thăng tiến và sự hài lòng của bạn trong công việc.

Cuối cùng, bạn phải có trách nhiệm với việc tự đào tạo, tự tìm tòi và tự học hỏi. Chính bạn phải quyết định vận dụng những kỹ năng cần thiết để mang về những thành quả xứng đáng. Sau đó, cũng chính bạn là người chịu trách nhiệm trong việc đầu tư thời gian, công sức để học tập và phát triển những kỹ năng này. Chẳng ai có thể làm thay bạn được. Vì sự thật là chỉ có bạn mới là người quan tâm đến bản thân mình nhiều nhất. 

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    -->