Kế hoạch tiếp nhận bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin cúm đại dịch
KẾ HOẠCH TIẾP NHẬN BẢO QUẢN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG VẮC XIN PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Tổng quan về bệnh cúm và việc sử dụng vắc xin cúm
Bệnh cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp.
Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: Đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa
phương và các trường hợp tản phát. Bệnh cúm nguy hiểm do khả năng lây nhiễm rất
cao và lan truyền nhanh, tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt
tại các nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, chợ, hội họp, nhà ga,
bến tàu, sân bay. Trong các mùa dịch, bệnh cúm gây nên gánh nặng về kinh tế do
phí tổn phải nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ do bị bệnh. Vi
rút cúm có 3 týp là A, B, C, trong đó cúm týp A là týp thường xuyên có sự biến
đổi và có thể tạo thành các chủng vi rút có độc lực cao, sự lây truyền rộng rãi
nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Vi rút cúm A bao gồm 2 loại kháng
nguyên, kháng nguyên Haemagglutinin (H) và kháng nguyên Neuraminidase (N). Những
kháng nguyên bề mặt này liên quan đến khả năng gây nhiễm trên vật chủ và tạo ra
chủng vi rút mới. Kháng nguyên H liên quan tới quá trình bám dính của vi rút
vào tế bào, còn kháng nguyên N hỗ trợ quá trình phóng thích vi rút. Với vi rút
cúm A, người ta đã biết đến 16 loại kháng nguyên H (được đánh số từ H1 đến H16)
và 9 loại kháng nguyên N (được đánh số từ 1 đến 9), có thể có nhiều loại phân
typ cúm (H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8...).
Trên thế giới, một số phân týp cúm A đã gây nên
các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... Trong một vài năm trở lại đây
trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới
như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3 và H5N8. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế
thế giới, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi rút cúm là rất đáng
quan tâm, các gen của vi rút cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng vi
rút mới đe dọa sức khỏe con người. Vi rút cúm có tỷ lệ đột biến cao và kháng
nguyên bề mặt luôn có xu hướng biến đổi. Chỉ cần những đột biến nhỏ đã dẫn tới
sự biến đổi kháng nguyên, tạo ra một chủng cúm A mới.
Hàng năm nước ta vẫn ghi nhận khoảng 1,6 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm trong giai đoạn vừa qua cho thấy 20,9% bệnh nhân mắc hội chứng cúm là do vi rút cúm gây ra; bệnh cúm lưu hành quanh năm, vi rút cúm B, A(H3N2), A(H1N1) và A(H1N1)/pdm09 luân phiên lưu hành và gây dịch, trong đó chủ yếu là cúm B (35,7%) và A/H3N2 (33,5%). Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam
Đại dịch cúm: xảy ra khi có chủng vi rút cúm mới
xuất hiện mà cộng đồng chưa có hoặc rất ít miễn dịch, dịch bệnh lây lan nhanh từ
người sang người, rộng rãi ở nhiều khu vực, quốc gia. Các nhà khoa học chưa dự
đoán được chính xác khi nào thì đại dịch cúm tiếp theo sẽ xảy ra, nó sẽ kéo dài
trong bao lâu.
Sử dụng vắc xin là biện pháp đem lại hiệu quả cao
trong việc dự phòng tích cực và chủ động bệnh cúm mùa và cúm đại dịch. Vắc xin
cúm mùa và cúm đại dịch được khuyến cáo sử dụng rộng rãi cho nhóm đối tượng cảm
nhiễm, đặc biệt là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao (phụ nữ có
thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già và người mắc bệnh mạn tính).
Hiện nay, tại Việt Nam vắc xin phòng chống đại dịch
cúm chưa được sử dụng mà mới chỉ sử dụng một số vắc xin cúm mùa do nước ngoài sản
xuất có thành phần cúm A(H1N1) đại dịch 2009 được cấp giấy phép lưu hành:
Vaxigrip (Sanofi Pasteur), Fluarix (GSK), Influvac (Abbott) và GC Flu (Green
Cross). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã sản xuất được vắc xin cúm mùa IVACFLU – S và
đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2019. Các vắc xin cúm mùa
được sử dụng trong hệ thống tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam với số lượng khoảng
500.000 liều mỗi năm.
2. Các giai đoạn đại dịch cúm
2.1. Giai đoạn trước cảnh báo đại dịch cúm
2.2. Giai đoạn cảnh báo đại dịch cúm:
+ Chưa có
trường hợp bệnh tại Việt Nam
+ Đã có các
trường hợp bệnh, ổ dịch tại Việt Nam.
2.3. Giai đoạn đại dịch cúm
2.4. Giai đoạn phục hồi sau đại dịch
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số
03/2007/QH12 ngày 21/11/2007.
- Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016.
- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của
Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
- Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh
doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
- Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của
Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật dược.
- Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của
Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch
vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của
Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
- Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của
Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng
vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
- Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ Y
tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
- Quyết định số 1950/QĐ-BYT ngày 06/6/2013 của Bộ
Y tế về việc phê duyệt “Kế hoạch phát triển và sử dụng vắc xin cúm mùa, giai đoạn
2013-2020, tầm nhìn đến 2030”.
- Quyết định số 3142/QĐ-BYT ngày 20/7/2020 của Bộ
Y tế về việc phê duyệt “Kế hoạch tiếp nhận bảo quản, phân phối và sử dụng vắc
xin phòng chống đại dịch cúm”
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do cúm đại dịch bằng sử
dụng vắc xin phòng chống đại dịch.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm chủng đầy
đủ vắc xin phòng chống đại dịch cho đối tượng nguy cơ cao
- Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin
trong giai đoạn đại dịch
IV. NỘI DUNG
1. Xây dựng kế hoạch tiếp nhận vận chuyển, bảo quản và sử dụng vắc xin phòng chống đại dịch cúm.
Khi có cảnh báo đại dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế xây dựng Kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vắc xin phòng chống
đại dịch cúm trình Bộ Y tế phê duyệt.
2. Xác định phạm vi triển khai, đối tượng tiêm vắc xin phòng chống đại dịch cúm
2.1. Phạm
vi triển khai:
Theo phân loại
của Bộ Y tế dựa trên 3 tiêu chí: Đô thị, đầu mối giao thông, mật độ dân số thì
tỉnh Lâm Đồng được 23/31 điểm. Khi có dịch bệnh xảy ra Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế xác định phạm vi triển khai vắc xin phòng chống
đại dịch cúm trên quy mô huyện, xã.
2.2. Lựa
chọn đối tượng triển khai
Việc xác
định đối tượng nguy cơ cao với các tiêu chí sau:
- Tất cả
các đối tượng nguy cơ cao theo khuyến cáo của Nhóm tư vấn kỹ thuật của Tổ chức
Y tế thế giới.
- Ưu tiên
cho các nhóm đối tượng đặc biệt sau:
+ Phụ nữ
có thai trong thời gian xảy ra đại dịch hoặc nguy cơ xảy ra đại dịch.
+ Tất cả
các cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị y tế dự phòng.
+ Những
người cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: an ninh, điện, nước,
+ Trẻ em
dưới 5 tuổi, đặc biệt lưu ý nhóm < 2 tuổi.
+ Người
già trên 65 tuổi.
+ Người mắc
các bệnh mạn tính.
3. Vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và vật tư tiêm chủng
- Tuyến tỉnh: Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận và bảo quản vắc xin phòng cúm đại dịch tại kho của
tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện cấp phát vắc xin như sau:
+ Cấp
phát vắc xin cho Trung tâm y tế cấp huyện ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm.
+ Cấp
phát vắc xin cho bệnh viện tỉnh, thành phố 01 ngày trước khi tiêm chủng hoặc
ngay trước buổi tiêm. Đối với các bệnh viện có đủ dây chuyền lạnh bảo quản vắc
xin thì tiến hành bảo quản vắc xin tại kho của bệnh viện trong những ngày tổ chức
tiêm chủng. Đối với các bệnh viện chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện cung cấp vắc xin cho mỗi buổi tiêm hoặc cấp
bổ sung tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các bệnh viện triển khai chiến dịch.
Vắc xin còn tồn cuối đợt tại các bệnh viện được trả lại Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh.
- Tuyến
huyện, thành phố: Trung tâm Y tế cấp huyện, thành phố vận chuyển vắc xin từ kho
tỉnh về kho huyện, thành phố để bảo quản và cấp phát cho các xã, bệnh viện huyện
1 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trong buổi tiêm.
- Tuyến
xã/phường: Nhận vắc xin từ tuyến huyện, thành phố, bảo quản vắc xin và vận chuyển
cho các điểm tiêm trong buổi tiêm chủng.
4. Tập huấn cho cán bộ y tế về triển khai vắc xin phòng cúm đại dịch
- Trung
tâm KSBT tỉnh phối hợp với Dự án TCMR khu vực tổ chức tập huấn hướng dẫn triển
khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng cúm đại dịch cho các tuyến trên địa bàn
ngay sau khi kế hoạch của tỉnh được phê duyệt.
5. Truyền thông về triển khai vắc xin phòng cúm đại dịch
- Xây dựng
và tiếp nhận các thông điệp truyền thông, phóng sự, tài liệu truyền thông về loại
vắc xin sẽ sử dụng trong phòng
chống đại dịch cúm, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắc
xin, các sự cố bất lợi sau tiêm chủng
- Tập huấn
cho các cán bộ y tế, cán bộ truyền thông về loại vắc xin sẽ sử dụng trong phòng
chống đại dịch cúm, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắc
xin, các sự cố bất lợi sau tiêm chủng: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn
cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã ngay sau khi tỉnh phê duyệt kế hoạch.
- Triển
khai các hoạt động truyền thông:
+ Cán bộ
truyền thông tuyến huyện, xã triển khai các hoạt động truyền thông tại đơn vị về
loại vắc xin phòng chống đại dịch cúm, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm chủng,
tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng chống đại dịch
cúm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông đa phương
tiện.
+ Xử lý
khủng hoảng truyền thông về tiêm chủng: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cung
cấp thông tin chính xác về những sự cố xảy ra để nhân viên y tế, người làm công
tác truyền thông tuyên truyền trong cộng đồng.
6. Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng cúm đại dịch:
6.1. Lập kế hoạch tiêm vắc xin
phòng cúm đại dịch tại các tuyến tỉnh, huyện, xã
Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu kế hoạch cho Sở Y tế để trình Ủy ban nhân dân
tỉnh phê duyệt trong vòng 15 ngày kể từ ngày có kế hoạch tiếp nhận vận chuyển,
bảo quản và sử dụng vắc xin phòng chống đại dịch cúm của Bộ Y tế.
6.2. Lập danh sách đối tượng
tiêm vắc xin phòng cúm đại dịch
Hoạt động
lập danh sách đối tượng cần được hoàn tất trước khi tiêm chủng 01 tuần. Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố lập danh sách đối
tượng đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
6.3. Tổ chức buổi tiêm vắc xin
phòng cúm đại dịch
Vắc xin
phòng cúm đại dịch được tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch, triển
khai trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có và
triển khai cuốn chiếu tại các địa điểm triển khai. Buổi tiêm chủng vắc xin
phòng cúm đại dịch phải được tổ chức đúng theo quy định của Bộ Y tế, an toàn,
hiệu quả, đạt chất lượng.
Đối với
các đơn vị được cấp giấy chứng nhận/tự công bố cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện
tiêm chủng, Trung tâm KSBT tỉnh hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho các
đối tượng theo qui định.
Đối với
các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, Trung tâm KSBT tỉnh
xây dựng kế hoạch, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động theo qui định.
Tổ chức buổi
tiêm chủng tại bệnh viện tỉnh, huyện, thành phố:
Thực hiện
tiêm vắc xin phòng cúm đại dịch cho các đối tượng thuộc bệnh viện quản lý: Các
cán bộ y tế của bệnh viện, các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính và phụ nữ có thai,
trẻ em đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa
phương.
Bệnh viện
cấp tỉnh, huyện tổ chức các đội cấp cứu. Tại các vùng đi lại khó khăn cần bố
trí 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3 - 4 xã. Trung tâm kiểm soát bệnh tật
tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố thông báo số điện thoại trực, cấp cứu cho
các điểm tiêm chủng.
Tổ chức buổi
tiêm chủng tại trạm Y tế cấp xã:
Trạm Y tế
cấp xã phối hợp với cán bộ đoàn thể, chính quyền chuẩn bị điểm tiêm chủng và tổ
chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng cúm đại dịch tại trạm và điểm tiêm chủng
lưu động.
Thực hiện
tiêm vắc xin phòng cúm đại dịch cho các đối tượng sau: Phụ nữ có thai, trẻ em
và các trường hợp mắc bệnh mạn tính, người già trên 65 tuổi trên đang sinh sống
tại cộng đồng và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương, sau khi kết
thúc chiến dịch phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng
tại bệnh viện.
Trạm Y tế
cấp xã bố trí mỗi điểm tiêm chủng có cán bộ y tế được tập huấn về giám sát và xử
trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, hộp chống sốc và phác đồ chống sốc.
Trung tâm
Y tế huyện, thành phố; Trung tâm KSBT tỉnh sẽ tự tiêm chủng vắc xin phòng chống
đại dịch cúm cho các cán bộ thuộc đơn vị.
6.4. Giám sát và xử trí các trường
hợp phản ứng sau tiêm vắc xin phòng chống đại dịch cúm
a) Giám
sát chủ động phản ứng sau tiêm chủng: Do vắc xin phòng cúm đại dịch là vắc xin
mới nên cần được theo dõi chặt chẽ hơn khi sử dụng.
Trung tâm
KSBT tỉnh thực hiện việc giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng
chống đại dịch cúm thông qua cán bộ chuyên trách tiêm chủng tại các điểm tiêm.
Các cán bộ chuyên trách tổng hợp phản ứng sau tiêm chủng và tai biến nặng sau
tiêm chủng thông qua điện thoại, email 02 ngày/lần và báo cáo cho Dự án TCMR
khu vực và Cục Y tế dự phòng (nếu có bất thường) đến khi kết thúc chiến dịch
theo mẫu tại phụ lục 2.
b) Giám
sát thường quy
Các cơ sở
tiêm chủng tiến hành theo dõi, giám sát phản ứng thông thường và tai biến nặng
sau tiêm chủng theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của
Chính phủ và Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
6.5. Quản lý bơm kim tiêm và
rác thải y tế sau buổi tiêm vắc xin phòng chống đại dịch cúm
Xử lý an
toàn rác thải y tế và bơm kim tiêm sau sử dụng theo qui định tại Thông tư liên
tịch số 58/TTLT- BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi
trường về việc quản lý chất thải y tế.
Bệnh viện
và Trạm Y tế cấp xã tiến hành thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại
điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế (lồng ghép việc xử lý với hoạt động tiêm chủng
hàng tháng).
6.6. Giám sát và báo cáo hoạt động
tiêm vắc xin phòng cúm đại dịch
- Trung
tâm KSBT các tỉnh thực hiện việc kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch:
- Thực hiện
báo cáo:
+ Các cơ sở thực hiện tiêm chủng hoàn thiện báo cáo
ngày theo mẫu tại Phụ lục 2 gửi cho TTYT huyện/ thành phố, Trung tâm KSBT tỉnh
bằng thư điện tử vào cuối mỗi ngày tiêm chủng. Trung tâm KSBT tỉnh tổng hợp
theo mẫu tại Phụ lục 3 và gửi cho Dự án TCMR khu vực bằng thư điện tử trước 9h
ngày hôm sau.
- Đối với báo cáo tổng kết đợt tiêm chủng, các cơ sở
tiêm chủng hoàn thiện báo cáo theo mẫu tại Phụ lục 4 và gửi cho TTYT cấp huyện
tổng hợp báo cáo Trung tâm KSBT tỉnh sau khi kết thúc đợt tiêm chủng 07 ngày,
Trung tâm KSBT tỉnh tổng hợp theo mẫu tại Phụ lục 5, báo cáo Sở Y tế, Dự án
TCMR khu vực trước trong vòng 01 tháng kể từ khi kết thúc tiêm chủng.
7. Kinh phí thực hiện
Kinh phí
triển khai được lấy từ nguồn kinh phí địa phương cho các hoạt động tập huấn,
truyền thông, in ấn biểu mẫu, báo cáo, vận chuyển và bảo quản vấc xin, công
tiêm, kiểm tra giám sát và các chi phí phát sinh khác.
8. Tổ chức thực hiện
Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu cho Sở Y tế Kế hoạch triển khai chi tiết,
trình UBND tỉnh phê duyệt và đầu tư nguồn lực cho công tác đáp ứng nhanh phòng
chống dịch, triển khai kế hoạch giám sát và đáp ứng bệnh truyền nhiễm, tổ chức
thực hiện Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng chống cúm đại dịch.
Trung tâm
y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch sử dụng vắc
xin phòng chống cúm đại dịch.
Các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động thuốc Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng chống cúm đại dịch.
Đăng nhận xét