Căn cứ Kế hoạch số 8642/KH-UBND ngày 26/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc Kế hoạch Phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020.
|
Giả mạc bạch hầu ở 1 trường hợp bạch hầu điển hình
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh bạch hầu năm 2020, cụ thể như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B; bệnh lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy nhiên hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tính đến ngày 18/9/2020 tại 4 tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 172 trường hợp mắc bạch hầu, 04 trường hợp tử vong.
Tại tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 06/2020 đến nay đã ghi nhận 01 ca bệnh xâm nhập (đã tử vong, tại huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông từng đến khám tại TTYT huyện Đam Rông) và 03 ca bệnh Bạch hầu tại địa phương: huyện Đam Rông 02 ca, huyện Lạc Dương 01 ca.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Giám sát phát hiện sớm những trường hợp mắc đầu tiên; triển khai kịp thời các biện pháp khống chế, bao vây kịp thời ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng.
- Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu.
2. Mục tiêu cụ thể
- 100% trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp mắc bệnh bạch hầu được cách ly, điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh.
- 100% các trường hợp sống trong vùng nguy cơ cao tại huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Lạc Dương, TP.Đà Lạt được tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu.
- 100% các ổ dịch bạch hầu mới phát sinh được khoanh vùng kịp thời, xử lý triệt để theo quy định, không để lan rộng và kéo dài;
- Trên 95% số trẻ < 1 tuổi ở quy mô xã/phường/thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh nói chung được tiêm phòng ít nhất 03 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu và 01 mũi vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) lúc trẻ được 18 - 24 tháng.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Truyền thông, giáo dục sức khoẻ
- Tổ chức truyền thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, trong các buổi họp dân, xe loa tại địa phương về phòng, chống bệnh bạch hầu, triệu chứng phát hiện sớm, các biện pháp vệ sinh khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tại gia đình, nhà trường, cộng đồng,… và tuyên truyền cho người dân phối hợp với ngành Y tế đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin có thành phần bạch hầu một cách đầy đủ, đúng lịch.
- Cấp phát tờ rơi, pa nô, áp phích,.. truyền thông đến tận hộ gia đình, dân cư.
2. Giám sát, điều tra, xử lý dịch
- Giám sát chặt chẽ, cách ly các trường hợp mắc và nghi ngờ tại các ổ dịch. Điều tra dịch tễ, lập danh sách các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu từ ổ dịch.
|
Khám phát hiện giả mạc bạch hầu ở bệnh nhân
|
- Lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ và trường hợp tiếp xúc gần.
- Phun khử khuẩn môi trường: 02 lần/ngày tại ổ dịch và ngay khi xác định địa chỉ các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu từ ổ dịch tại hộ gia đình hoặc khu vực khu trú.
3. Thu dung, cách ly điều trị
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện để chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế.
- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh tại cộng đồng cũng như tăng cường nhân lực cho tuyến dưới khi có yêu cầu.
- Điều trị trường hợp mắc và trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tại Trung tâm Y tế các huyện/TP hoặc chuyển tuyến trên theo quy định.
- Điều trị dự phòng bằng kháng sinh phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng nghi ngờ và tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
4. Đào tạo, tập huấn
Tiếp tục đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế các tuyến về phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu, quy trình giám sát, xử lý dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
5. Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu
- Duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin có thành phần Bạch hầu đạt trên 95% cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Thường xuyên rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ đặc biệt là người dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh.
- Tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều (Td) cho tất cả học sinh lớp 2 và trẻ 7 tuổi tại cộng đồng.
- Triển khai tiêm vắc xin Td cho tất cả đối tượng từ 48 tháng tuổi trở lên đủ 2 mũi Td tại các vùng nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, dự kiến 34.200 liều Td, cụ thể:
+ Huyện Đam Rông: (tiêm đủ mũi 2) thôn Đa Tế, xã Đạ M’rông: 2000 liều; xã Đạ Rsal: 4000 liều.
+ Huyện Bảo Lâm: (tiêm đủ 2 mũi) thôn 3, xã Lộc Bảo: 4200 liều
+ Huyện Lạc Dương: (tiêm đủ 2 mũi) thôn 3, thôn 5, thôn 6 của xã Đạ Sar: 8000 liều.
+ TP. Đà Lạt: (tiêm đủ 2 mũi) thôn 2, xã Tà Nung và khu vực Dốc Trời, phường 5: 1000 liều.
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật dự trữ (an toàn): 15.000 liều vắc xin Td để dự phòng khi có các ca bệnh, ổ dịch mới phát sinh tại địa phương.
6. Công tác xét nghiệm
- Khoa XN - Chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Triển khai hoạt động nuôi cấy, phân lập, định danh vi khuẩn bạch hầu; cung ứng môi trường và hướng dẫn các đơn vị kỹ thuật lấy và vận chuyển mẫu.
7. Thống kê báo cáo
- Thực hiện thống kê báo cáo theo quy định (Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh truyền nhiễm).
IV. KINH PHÍ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Kinh phí dự kiến: 1.375.801.900 đồng
(Số tiền bằng chữ: Một tỷ, ba trăm bảy mươi lăm triệu, tám trăm lẻ một ngàn, chín trăm đồng chẵn). Chi tiết tại phụ lục đính kèm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế điều tra xác minh thông tin dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn các huyện, thành phố; chuyển mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Tp.HCM.
- Bố trí cán bộ thường trực 24/24 nhằm hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu khi có dịch bệnh xảy ra.
- Xây dựng, in ấn, cấp phát tài liệu truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu (tờ rơi, áp phích,…).
- Tổ chức tập huấn cho các tuyến: quy trình giám sát, điều tra dịch tễ, phác đồ chẩn đoán, điều trị,… đáp ứng nhanh và hiệu quả trong phòng, chống bệnh bạch hầu.
- Cung ứng vắc xin, vật tư, thuốc điều trị dự phòng, hóa chất phục vụ phòng, chống bệnh bạch hầu cho các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.
- Theo dõi, giám sát, đánh giá công tác đáp ứng phòng, chống bệnh bạch hầu và công tác tiêm chủng tại địa phương.
- Thực hiện tốt thống kê báo cáo tình hình dịch bệnh bạch hầu theo quy định.
2. Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Nhi
- Chuẩn bị sẵn sàng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (S.A.D), kháng sinh, trang thiết bị,… để điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế.
- Tổ chức, bố trí khu vực cách ly để điều trị các ca bệnh, ca nghi ngờ; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế đối với người bệnh và nhân viên y tế,…
3. Trung tâm Y tế các huyện/thành phố
- Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch đáp ứng phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện.
- Tham mưu chính quyền địa phương tổ chức truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, họp dân, xe loa tuyên truyền trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp và thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về quy trình tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu; giám sát các đối tượng nghi ngờ và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu tại nhà; thực hiện vệ sinh, phun khử khuẩn môi trường, công sở, nhà trường, gia đình, nơi công cộng,
- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong do bệnh; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo. Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
- Tổ chức tiêm chủng vắc xin có thành phần bạch hầu đạt trên 95% cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các xã, phường, thị trấn theo quy định. Thường xuyên rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ đặc biệt là người dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh.
- Tổ chức tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ, có tiếp xúc với ca nghi ngờ, ca xác định bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
- Tổ chức tiêm vắc xin cho tất cả đối tượng 48 tháng tuổi trở lên tại các vùng nguy cơ cao trên địa bàn theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
- Bố trí cán bộ tham dự các lớp tập huấn về nâng cao năng lực phòng, chống bệnh bạch hầu do tuyến trên tổ chức.
- Thống kê báo cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về diễn tiến tình hình dịch bệnh và các hoạt động đáp ứng phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn đúng thời gian quy định.
VI. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT
1. Sở Y tế Lâm Đồng
- Phòng Nghiệp vụ Y: Tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trực thuộc ngành Y tế triển khai phòng, chống bệnh bạch hầu;
- Phòng Kế hoạch – Tài chính: Thẩm định kế hoạch và trình Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện.
2. Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Tp.HCM
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
3. Sở Giáo dục và đào tạo
- Chỉ đạo các trường học phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trong công tác tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng, lợi ích của hoạt động tiêm vắc xin Td phòng, chống bệnh bạch hầu cho giáo viên, học sinh. Vận động phụ huynh đưa con em đến các điểm tiêm chủng tiêm vắc xin Td đầy đủ, đúng lịch khi có yêu cầu của ngành Y tế; đồng thời phối hợp thực hiện tốt việc điều tra, lập danh sách trẻ trong diện được tiêm chủng đảm bảo không bỏ sót đối tượng và tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở các điểm tiêm tại các trường học.
- Chỉ đạo các trường học tổ chức vệ sinh khử khuẩn tại lớp học, nhà trường,… Vận động học sinh, phụ huynh, gia đình thực hiện vệ sinh khử khuẩn theo quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của họa động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng và học sinh trong chiến dịch tiêm phòng, chống bệnh bạch hầu; tác dụng, lợi ích của việc tiêm vắc xin Td để nhân dân hiểu rõ và tích cực tham gia.
- Tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các loại hình truyền thông nhằm truyền tải thông tin đến với người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao theo khuyến cáo của ngành Y tế.
5. Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố
- Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học,… nhất là vùng có ổ dịch và vùng liên quan.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện việc cách ly người bệnh, hạn chế đi lại vùng có ổ dịch, tuân thủ điều trị dự phòng theo quy định.
- Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh bạch hầu nói riêng; tích cực tuân thủ việc tiêm vắc xin Td theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh bạch hầu cho bản thân và cộng đồng.
Trên đây là Kế hoạch triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kế hoạch này sẽ được chỉnh sửa, bổ sung tùy vào tình hình và diễn biến dịch bệnh. Căn cứ nội dung kế hoạch này, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ngành Y tế tổ chức thực hiện các hoạt động đáp ứng phòng, chống bệnh bạch hầu tại địa bàn quản lý./.
Đăng nhận xét