Nguyên nhân gây nên Cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống

Bốn nguyên nhân gây nên cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống mà bạn cần biết đó là Sự bào chữa, cố lý giải thiệt hơn, quá quan tâm đến ý kiến của người khác và không chịu trách nhiệm cho những việc mình làm 

Đừng bào chữa

Nguyên nhân sâu xa đầu tiên gây ra những cảm xúc tiêu cực là sự bào chữa. Bạn sẽ có cảm giác yếu đuối khi tự bào chữa với bản thân hoặc người khác rằng bạn có quyền được giận dữ hay thất vọng vì một lý do nào đó. Đây chính là nguyên do lý giải những người hay giận dữ luôn miệng giải thích và trình bày đủ thứ về căn nguyên những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn không bào chữa cho cảm xúc tiêu cực của mình, thì bạn cũng không giận dữ được. 

Chẳng hạn, một nhân viên bị mất việc do sự biến động của nền kinh tế và sự suy giảm doanh thu của công ty. Tuy nhiên, người này lại tỏ ra giận dữ với cấp trên vì nghĩ rằng quyết định cho anh ta thôi việc là không công bằng. Cơn tức giận có thể khiến anh ta quyết định kiện ra tòa hoặc quyết “đòi lại công bằng”bằng cách nào đó. 

Chừng nào mà anh ta còn tiếp tục bào chữa cho mình, thì cảm xúc ấy còn tiếp tục kiểm soát và chi phối suy nghĩ cũng như phần lớn cuộc đời anh ta. Tuy nhiên, nếu anh ta chấp nhận “Mình bị mất việc rồi. Điều đó cũng bình thường thôi. Chẳng phải cũng có rất nhiều người bị mất việc trong tình hình kinh tế như hiện nay đấy thôi.

Tốt hơn hết là mình dành thời gian để tìm kiếm một công việc khác” thì chắc chắn những cảm xúc tiêu cực kia sẽ không còn. Anh sẽ bình tĩnh, tỉnh táo và tập trung hơn vào mục tiêu cũng như cho những bước đi sắp tới.

Đừng cố lý giải thiệt hơn

Khi lý giải thiệt hơn, bạn cố tìm cách hợp lý hóa các sự kiện hoặc cố giải thích cho một hành vi nào đó của mình. 

Khi đó, bạn tìm cách lý giải, né tránh hoặc tìm một điểm tích cực nào đó trong hành vi của mình để thuyết phục mọi người. 

Cố lý giải thiệt hơn tạo ra cảm xúc tiêu cực

Bạn cố tìm cách lý giải sao cho thật dễ nghe nhằm tạo ra và củng cố vị thế đúng đắn của mình ở mọi phương diện. Cách ứng xử này sẽ tiếp tục giữ những cảm xúc tiêu cực luôn tồn tại trong bạn. 

Việc lý giải nhằm hợp lý hóa và bào chữa cho vấn đề có thể sẽ đẩy một người nào đó thành tác nhân gây ra vấn đề của bạn. Bạn tự đẩy mình vào vị trí nạn nhân, và biến người khác hay tổ chức khác thành “kẻ áp bức”.

Vượt lên những ý kiến của người khác

Việc quá quan tâm hay quá nhạy cảm với cách người khác cư xử với bạn cũng gây nên cảm xúc tiêu cực. Đối với một số người, hình ảnh bản thân dường như được cảm nhận bởi cách mà người khác nói chuyện với họ, nhận định về họ, hoặc ngay cả cách nhìn họ. 

Trong họ như không có khái niệm về giá trị bản thân hay sự tự đánh giá ngoài việc nhìn nhận mình theo những ý kiến của người khác. Và khi những ý kiến này hướng vào họ với tính chất tiêu cực thì ngay lập tức họ bị cuốn vào những cảm xúc như giận dữ, bối rối, hổ thẹn và thậm chí là trầm uất, tự thương hại bản thân, tuyệt vọng. 

Điều này lý giải vì sao các nhà tâm lý học cho rằng hầu hết mọi điều chúng ta làm là để giành được sự tôn trọng của người khác, hoặc ít nhất cũng không để đánh mất sự tôn trọng dành cho mình.

Tự chịu trách nhiệm cá nhân

Nguyên nhân cuối cùng cũng được xem là điều tệ nhất, chính là việc đẩy trách nhiệm sang người khác. Khi vẽ “Cây cảm xúc tiêu cực”trong các buổi hội thảo, tôi minh họa thân cây là phần có xu hướng đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của chúng ta. 

Một khi bạn chặt ngang thân cây, tất cả những trái cây trên đó là những cảm xúc tiêu cực sẽ không còn đất sống. Điều này cũng tương tự như khi bạn rút phích cắm ra khỏi ổ điện thì các bóng đèn trên cây thông Giáng sinh sẽ tức thì đồng loạt tắt hết. 


Đăng nhận xét

Tin liên quan

    -->